Đại học Huế sẽ trở thành Đại học Quốc gia trong thời gian sớm nhất
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc họp trực tuyến với tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa qua.
Theo đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW, trong đó đề cập đến việc xây dựng trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu đưa Đại học Huế nằm trong Top 30 các trường Đại học tốt nhất Châu Á.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, hiện tại đã có lộ trình cụ thể, đến năm 2025 trở thành trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Cụ thể có từ 150 – 155 ngành đào tạo Đại học, 95 – 100 ngành đào tạo thạc sĩ, 55 – 60 ngành đào tạo tiến sĩ. Theo đó, mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 – 2025 là xây dựng, phái triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo định hướng nghiên cứu, phấn đấu sẽ nằm trong Top 300 các trường Đại học hàng đầu châu Á và Top 1.000 trường Đại học thế giới
Hiện nay, Đại học Huế đã phát triển lên 146 ngành đào tạo Đại học, 92 ngành đào tạo thạc sĩ và 56 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú.
Đại học Huế đã mở thêm các ngành mới như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Nông nghiệp công nghệ cao, Quản trị và phân tích dữ liệu và Hộ sinh là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nghề mới.
Đại học Huế cũng đang tập trung phát triển Trường Đại học Y Dược theo mô hình “Trường – Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế; Bệnh viện Trường ĐH Y Dược đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế của các nước phát triển.
Hiện tại, Đại học Huế được xếp thứ 401/450 trường Đại học hàng đầu châu Á, xếp thứ 6/11 cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam (theo QS Asia Rankings 2021).

“2 năm nay, số lượng sinh viên và học viên sau Đại học tăng từ 10-15%. Trong bối cảnh liên kết các vùng kinh tế, hội nhập quốc tế, ĐH Huế có đủ tiềm năng nhân lực để hỗ trợ các trung tâm vùng như ở miền Trung – Tây nguyên để thúc đẩy và phát triển đất nước ở các lĩnh vực: Logistics, tài nguyên biển đảo, năng lượng sạch, công nghệ sinh học biển và rừng, phát triển nông thôn, chế biến nông sản, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế số”, TS Chương chia sẻ thêm.
Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế, ông Lê Trường Lưu đề nghị Đại học Huế nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành Đại học Quốc gia.
“Tính toán, đánh giá, cân nhắc kỹ lại những tiêu chí; chủ động sắp xếp lại các đơn vị thành viên, trực thuộc theo hướng liên thông, kết nối, chia sẻ và sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực dùng chung; tập trung lãnh đạo thực hiện lộ trình tự chủ đại học đối với các đơn vị trực thuộc…
Nâng cao chất lượng tuyển sinh về cả quy mô và chất lượng, tăng sức cạnh tranh theo từng lĩnh vực chuyên sâu và thế mạnh, giữ vững thương hiệu Đại học Huế; tập trung nguồn lực đào tạo các ngành trọng điểm, mũi nhọn”, ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
(Theo CAND)
Xem thêm: