Đừng cố đua vào ngành hot!
Cứ tới mùa tuyển sinh là các thí sinh đều chọn các ngành các ngành đang “hot”bất kể xem xét ngành đó có phù hợp với năng lực của bản thân hay không. Việc này mang lại nhiều rủi ro khi có thể rớt đại học hoặc trong quá trình học không thấy phù hợp.
Những năm gần đây, thí sinh thường ưu tiên chọn ngành lương cao, việc nhẹ và theo phong trào. Một trong những ngành luôn thu hút lượng thí sinh đăng ký đông đảo như: y dược, công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, kinh doanh quốc tế, quan hệ quốc tế, trí tuệ nhân tạo,…Các ngành này có điểm chuẩn rất cao, từ 29-30 điểm. Trong khi đó có nhiều ngành khác vẫn có nhu cầu nhân lực nhưng các thí sinh lại không muốn theo học, nên có ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển.
ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – marketing cho biết: “Ngành hot, nghề mốt, ra trường lương cao, cơ hội làm việc lớn, môi trường hấp dẫn luôn là những thông tin khiến thí sinh đổ xô theo học. Tôi cho rằng hiện nay học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đa số chọn nghề chưa thật phù hợp vì chưa có thông tin đầy đủ và chính xác về nghề trong khi bản thân chưa hiểu hết khả năng, tư chất của mình”.
Theo các chuyên gia, hiện nay các thí sinh có suy nghĩ rằng muốn làm bên lĩnh vực nào thì chọn học ngành đó. Tuy nhiên điều này không chính xác, vì một lĩnh vực nghề sẽ cần nguồn nhân lực từ nhiều ngành khác nhau. Song song đó, các thí sinh không xác định rõ mong muốn cũng như năng lực của bản thân nên thường gặp nhiều lúng túng trong quá trình chọn ngành.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nêu ví dụ nhiều người nghĩ làm bên ngân hàng thì bắt buộc phải học ngành ngân hàng. Ông cho biết đây là cách hiểu chưa đầy đủ vì những người làm trong ngân hàng sẽ đến từ nhiều ngành khác nhau như: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kế toán, nông nghiệp,…
Ví dụ như việc lắp đặt, vận hành máy ATM sẽ cần các kỹ sư điện tử, thẩm định hồ sơ cho vay các dự án về nông nghiệp thì cần sự đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, việc kiểm định vàng, kim cương, đá quý.. sẽ cần những người tốt nghiệp từ ngành hóa học, địa chất,..
ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay: “Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 240 trường ĐH với 367 ngành đào tạo, trong khi có hơn 3.000 nghề khác nhau. Như vậy có thể thấy số ngành rất ít mà số nghề rất nhiều. Điều quan trọng nhất là các em cần biết mình phù hợp với công việc nào, muốn làm gì và nên chọn những ngành học mình có thế mạnh và yêu thích”.
Song song đó, ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định rằng các sinh viên sau khi tốt nghiệp trường Luật có thể làm nhiều vị trí khác nhau như luật sư, công chứng viên, kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên trong ngành công an,…
“Như vậy với tấm bằng cử nhân luật, chúng ta có thể làm việc được ở tất cả các cơ quan nhà nước (các sở ban ngành), tòa án, viện kiểm sát, thi hành án… Nếu không thích làm việc ở cơ quan nhà nước, các bạn có thể làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân hoặc có thể mở doanh nghiệp, công ty tư vấn luật” – ông Hiển nói.
Theo PGS.TS Bùi Hoàng Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), sau khi tốt nghiệp một ngành, các bạn có thể làm được nhiều nghề khác nhau. Hoặc cũng có khi các bạn học nhiều ngành chỉ để làm một nghề. Ví dụ như ngành “hot” kỹ thuật ô tô những năm gần đây được nhiều thí sinh chọn học. Trong một chiếc ô tô có 40% là điện và điều khiển. Nếu các bạn muốn làm việc liên quan đến ngành ô tô thì có thể chọn học các ngành như trí tuệ nhân tạo, cơ khí chế tạo máy, cơ khí động lực,…
Tương tự, ngành y dược luôn nhận được sự thu hút từ các thí sinh mặc dù điểm chuẩn của khối ngành sức khỏe như y đa khoa, răng hàm mặt, dược học,..có điểm chuẩn từ cao đến rất cao.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Y dược TP.HCM khuyên rằng, việc chọn ngành cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa đam mê và thực lực của mình. Việc quá mơ mộng có thể sẽ dẫn đến thi rớt đại học. Nếu bạn có niềm đam mê với ngành y nhưng không tự tin vào năng lực của bản thân, thì có thể chọ ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng để thực hiện ước mơ.
(Theo Tuoitre)
Xem thêm: