Chia sẻ tại hội nghị thường niên “Bản hòa ca trí tuệ” được tổ chức ngày 8/10, GS Ngô Bảo Châu cho rằng nếu không có sáng tạo, việc học chưa đến nơi đến chốn.
“Sự sáng tạo là phần cốt yếu trong nghiên cứu khoa học. Một công trình khoa học mới phải có sáng tạo trong đó. Trong dạy học, sáng tạo cũng rất thiết yếu”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ tại hội nghị.
Đồng ý kiến với GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, nhà giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh cũng cho rằng, sáng tạo là một phần quan trọng trong giáo dục ở thế kỷ 21.
Sáng tạo là điều cốt yếu trong dạy học
GS Ngô Bảo Châu quan niệm phần “sáng” trong “sáng tạo” là chúng ta nhìn vạn vật một cách rõ hơn, thấu suốt hơn để rồi tạo ra cái mới.
Ông cho biết, người thầy thực thụ không phải chỉ đọc thuộc lòng bài như trong sách rồi giảng đi giảng lại, mà luôn phải có sự sáng tạo. Một người thầy thực thụ sẽ không bao giờ truyền đạt lại kiến thức đã chết. Kiến thức truyền đạt cho học sinh không do giáo viên tìm ra nhưng họ cần hiểu kiến thức dạy hôm nay liên quan đến thực tế như thế nào.
Tương tự, học trò cũng cần hiểu kiến thức được truyền đạt theo cách riêng của mình. Nếu một người học trò không có sự sáng tạo, tìm tòi thì việc học cũng chưa được đến nơi đến chốn.
Trong buổi hội thảo, GS Ngô Bảo Châu kể lại câu chuyện nhà toán học người Anh Andrew Wiles, là người đầu tiêu giải được bài toán Fermat.
Andrew Wiles từng làm việc với bài toán Fermat trong suốt 6-7 năm liền. Vào giây phút tìm ra lời giải, ông mô tả như khi đang đi trong phòng tối 6-7 năm, bất chợt ánh sáng lóe lên, mọi thứ bỗng nhiên được xếp đặt hợp lý, logic. Đó là giây phút sáng tạo. Sự học tập và lao động miệt mài đã mang lại giây phút thăng hoa đó.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, sáng tạo là cách tiếp cận với tư duy chủ động và luôn tư duy phản biện. Bà cho rằng nên coi sự sáng tạo là định hướng xuyên suốt của giáo dục thế kỷ 21.
“Thế giới luôn biến động nhanh, phức hợp, giáo dục cũng phải đổi mới, thích nghi liên tục, lồng ghép sáng tạo mới đáp ứng được đòi hỏi của thế kỷ mới”, bà Ninh nhận định.
GS Trần Thanh Vân cho rằng, cần tạo điều kiện để con em phát triển về tư duy, tính quan sát, sự tò mò, phân tích, đặt câu hỏi trước những hiện tượng xảy ra trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như trong lớp học, các em đặt câu hỏi và giáo viên trả lời chính là tạo điều kiện để các em làm thí nghiệm, quan sát, ghi nhận và trình bày ý tưởng cho cả lớp.
Chú trọng phát triển EQ
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, giáo dục toàn diện, sáng tạo phải khiến người học suy nghĩ bằng khối óc, cảm nhận bằng trái tim, phát huy trí tưởng tượng. Sáng tạo đóng vai trò xúc tác, thúc đẩy các quá trình tác động qua lại giữa IQ (trí thông minh tổng quát) và EQ (trí thông minh cảm xúc).
Bà cũng nhận định, theo tình hình hiện nay, người học hướng về bản thân quá nhiều. Thế nên, giáo dục hoàn thiện nên hướng về EQ, đến trái tim, tâm hồn, trí tưởng tượng, khuyến khích khát vọng hướng về cái đẹp. Qua đó, phải tính vị trí phù hợp cho các môn học. Bên cạnh khuyến khích phát triển cá nhân, nên cho người học tim hiểu và tham gia các hoạt động cộng đồng.
Bà Ninh nói thêm, sáng tạo là thiết yếu trong thời đại hiện nay và trong tương lai, phù hợp cho số đông chứ không phải chỉ số ít có điều kiện và không phải là hành trình đơn độc.
GS Trần Thanh Vân mong muốn thế hệ trẻ đủ điều kiện tiếp xúc với thế giới rộng lớn, đủ năng lực để tư duy độc lập, có dịp bộc lộ tiềm năng.
“Một khi trí tuệ được dồi mài và ấp ủ bởi trí tâm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn, ngưng tụ trong nội tâm sẽ là động cơ mãnh liệt để các em cùng chung sức lèo lái xã hội đến những bến bờ tích cực, nhân văn, tươi sáng”, GS Vân chia sẻ.
Cho trẻ sống cuộc đời của trẻ
GS Ngô Bảo Châu đồng thời cũng chia sẻ trong gia đình ông không quá quan trọng kết quả học tập, điểm số của con phải xuất sắc. Ông cho rằng, trẻ cần được sống cuộc sống của một đứa trẻ, không chỉ chơi mà còn học khoa học, viết, làm toán, học nghệ thuật,…
“Chúng ta thường quan niệm học đạt điểm cao để sau này có sự nghiệp thành đạt. Ai cũng phải có sự nghiệp của mình nhưng đó không phải tất cả cuộc sống. Cuộc sống là phải biết sống chan hòa, mang lại hạnh phúc cho người khác”, ông quan niệm.
Theo ông, cha mẹ nên tạo điều kiện để con được sống theo những điều con muốn học, đồng thời khơi gợi để trẻ thích học. Nếu con không thích thì cũng đừng nên bắt con học nhiều quá.
“Tôi thực sự mong muốn con thành người độc lập, biết sống cuộc sống của mình, làm chủ, hạnh phúc trong cuộc sống của mình, biết cảm nhận cái hay, cái đẹp của cuộc sống, sống chan hòa, đem lại niềm vui cho người khác”, GS Châu một lần nữa nhắc đến việc mong con mang lại niềm vui cho mọi người.
Trước câu hỏi cần chuẩn bị gì cho con cái để đối mặt với cuộc sống thay đổi trong tương lai, ông cho rằng cần giúp trẻ trang bị, hòa mình vào cuộc sống văn hóa.
“Vốn văn hóa là cái giúp các em hội nhập trong cuộc sống, trong mọi điều kiện thay đổi của cuộc sống, từ trong nước đến nước ngoài”, ông nêu quan điểm.
(Theo Zingnews)
Xem thêm: