Mục lục
Không xét tuyển đại học với quá nhiều phương thức
Trong chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải trình làm rõ một số vấn đề về công tác tuyển sinh, giáo dục bậc đại học.
1. Các trường đào tạo về sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) về hiện tại nhiều trường đa ngành mở thêm các mã ngành về sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết việc mở các mã ngành về sức khỏe được tiến hành theo các quy định, quy chuẩn và trong tự chủ đại học, mở mã ngành là quyền của các đơn vị đào tạo. Tuy nhiên, Bộ vẫn giữ quyền thẩm định và quyết định 2 nhóm ngành đào tạo về sức khỏe và sư phạm cùng với việc đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí mở chương trình đào tạo rất nghiêm ngặt. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát xem việc thực hiện các quy định có điểm gì chưa được chặt chẽ, thực sự cần bổ khuyết thêm, để bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung chỉ ra trong thực tế, nhiều trường đào tạo đa ngành, điều kiện giảng dạy, chương trình đào tạo đối với khối ngành sức khỏe này không được như các trường chuyên ngành. Ví dụ như các bác sĩ thực tập ở bệnh viện tuyến huyện sẽ không thể nào bằng các sinh viên khi học trong trường và được thực tập ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Chính điều này sẽ dẫn đến việc chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như chất lượng giữa đào tạo đa ngành với trường đào tạo chuyên ngành.
Vấn đề thứ hai, đại biểu cho rằng, mặc dù Bộ trưởng có nêu điều kiện để mở ngành rất chặt chẽ và Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cho phép mở ngành sẽ phải xét trên các điều kiện mà các trường đáp ứng đầy đủ mới cho quyết định, song thực tế có những trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cho quyết định mở mã ngành không xin ý kiến của Bộ Y tế.
Đại biểu cũng cho biết khi Bộ Y tế đi kiểm tra và khảo sát thì có rất nhiều trường hiện nay đang giảng dạy nhưng không đáp ứng được các điều kiện để đào tạo khối ngành sức khỏe. Đại biểu đặt câu hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc thanh tra nào chưa và kết quả này như thế nào?
Trả lời câu hỏi tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết khi mở ngành của khối ngành sức khỏe, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều lấy ý kiến của Bộ Y tế. Ngành giáo dục và đào tạo không tự quyết định mở khối ngành sức khỏe. Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang có một đợt rà soát về các chương trình mới mở, đặc biệt là trong nhóm khối ngành đào tạo sức khỏe, đồng thời tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đặc biệt là các điều kiện mở ngành.
2. Không xét tuyển đại học với quá nhiều phương thức

Về câu hỏi chất vấn của đại biểu đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) liên quan đến việc nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông điểm cao nhưng vẫn trượt đại học thì có phải là do việc xây dựng chỉ tiêu và cách xét tuyển của các trường đại học hay không? Bộ trưởng cho rằng có nhiều nguyên nhân. Năm vừa qua cũng có hiện tượng là một số học sinh điểm cao mà vẫn không đạt được nguyện vọng vào đại học nào. Cụ thể có 165 học sinh phổ thông có số điểm cao từ 27 điểm trở lên. Trong 165 em đạt điểm cao, hầu hết là các học sinh chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng, và vào chủ yếu các trường khối công an và quân đội.
Bên cạnh đó, cũng có một hiện tượng là các trường cũng đặt ra quá nhiều cách xét tuyển. Mỗi một cách xét tuyển như vậy dành cho các nhóm ngành đào tạo ít chỉ tiêu, nên cũng ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyến của thí sinh. Từ việc 165 trường hợp học sinh không trúng tuyển đại học vừa qua, Bộ trưởng đồng ý với các đại biểu sẽ cần phải có điều chỉnh trong chỉ đạo các phương án xét tuyển của các trường đại học vào năm tới.
“Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học theo luật quy định nhưng các quyền đó cũng phải nằm trong các chế tài cho phép. Bộ sẽ rà soát các quy định, theo hướng không nên có quá nhiều các phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học. Điều này vừa phức tạp cho xã hội, lại khiến thí sinh rất khó theo dõi và tạo rủi ro cho người đăng ký”, Bộ trưởng cho hay.
Việt Đức (TTXVN)
Xem thêm:
- Điểm thi THPT thấp hơn điểm học bạ – Xét tuyển học bạ có ổn?
- Tuyển sinh ĐH 2022: Các trường dự tính tuyển sinh theo phương thức nào?