XÉT HỌC BẠ
KỸ NĂNG THÀNH CÔNG

5 triệu một tháng có đủ cho sinh viên xa nhà?

Sinh viên cần bao nhiêu tiền một tháng

Một tháng sinh viên cần bao nhiêu tiền

Trên mạng xã hội đang tranh luận về việc một sinh viên năm nhất cho rằng 5 triệu/tháng không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng khi sống xa nhà.

Song song đó, một số sinh viên cho rằng, nếu tiết kiệm, họ có thể tiêu xài chỉ từ 3-5 triệu/tháng.

1. Một tháng sinh viên cần chi tiêu bao nhiêu?

Việc mới chân ướt chân ráo lên thành phố với bao nhiêu nỗi lo, trong đó sinh hoạt phí là một nỗi lo không nhỏ với các bạn trẻ. Mỗi sinh viên sẽ được chu cấp một khoản khác nhau, tùy theo tình hình kinh tế của mỗi gia đình. Một số bạn trẻ cho rằng mỗi tháng họ có thể chi tiêu với 3 triệu đồng.

Theo Trần Thanh Tuấn, sinh viên ở Khu đô thị ĐHQG TP.HCM cho biết mỗi tháng bạn được gia đình chu cấp 3,5 triệu, đủ để bạn chi tiêu trong tháng. Mỗi tháng Tuấn chi 350.000 đồng cho tiền phòng ở KTX khu B ĐHQG TP.HCM, ăn uống tầm 2 triệu, còn lại để dành làm chi phí dự phòng khi nào thật cần thiết mới sử dụng.

Một tháng sinh viên cần bao nhiêu tiền
KTX ĐH Quốc Gia TP.HCM

 Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Ngân, sinh viên Trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức mỗi tháng chỉ tiêu tốn 1,5 – 2 triệu đồng. Ngân chia sẻ, mỗi ngày chi 50.000 đồng tiền ăn. Song song đó, để giảm bớt chi phí cho gia đình, những năm đầu Đại học, Ngân đăng ký ở lại KTX của trường với mức phí 650.000 đồng/3 tháng tiền phòng.

“5 triệu/tháng không đủ chi tiêu có thể do gia đình có điều kiện và họ đã quen với cuộc sống đầy đủ, sung túc khi còn ở nhà. Lúc trước, để tiết kiệm tối đa tiền phòng nên tôi đã chọn ở KTX, sau này ra thuê nhà trọ với bạn thì tính ra mỗi người cũng chỉ trả 450.000/tháng”, sinh viên Ngân cho biết thêm.

Sinh viên Châu Bạch Hồng – Trường ĐH Luật TP.HCM – cho biết, hiện đang thuê nhà trọ ở phường Hiệp Bình Chánh được gia đình chu cấp 4 triệu mỗi tháng và đủ dùng. Trong đó, cô và bạn mỗi người trả 900.000 tiền phòng, còn lại dành cho việc ăn uống và mua các vật dụng khi cần thiết.

Một tháng sinh viên cần bao nhiêu tiền
Một bữa cơm sinh viên

2. Đi làm thêm và cắt giảm chi tiêu

Sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học sẽ giúp các bạn chủ động tài chính hơn và bớt phụ thuộc vào gia đình.

Trần Thanh Tuấn tiết kiệm được 1-2 triệu đồng từ việc làm thêm chia sẻ: “Do còn học nên tôi chỉ làm thêm lúc rảnh rỗi để có thêm thu nhập trả tiền phòng khi cần thiết. Bố mẹ cho bao nhiêu tôi sẽ nhận bấy nhiêu chứ không xin thêm. Bản thân cũng hạn chế ăn vặt, mua sắm…”

Còn sinh viên Nguyễn Ngọc Ngân chọn cách đi bộ để tiết kiệm tiền xăng và tiền gởi xe. Sau này khi chuyển ra nhà trọ thì mới đi xe máy để tiện cho việc đi làm thêm.

“Vì còn đang đi học, để tiết kiệm chi phí nên tôi ít khi mua sắm, mỗi tháng chỉ tốn tiền phòng và tiền ăn. Thời gian học ở trường cũng nhiều nên tôi chọn làm công việc phục vụ tại nhà hàng, tiệc cưới vào cuối tuần để không bị chi phối.”

Châu Bạch Hồng cho biết, 5 triệu đủ hay thiếu phụ thuộc vào cách chi tiêu của mỗi người. Sinh viên có thể tính toán, lên kế hoạch các khoản chi nào cần thiết, khoản chi nào có thể hạn chế, từ đó có thể điều chỉnh mức phù hợp để không bị thiếu hụt.

“Là sinh viên, chưa hoàn toàn tự chủ tài chính, ít nhiều còn phụ thuộc gia đình, nên tránh việc đua đòi, chạy theo xu hướng. Khi đó thì 5 triệu hay nhiều hơn cũng không bao giờ là đủ. Hãy tự cân đối chi tiêu và điều chỉnh bằng cách thay vì đi ăn ngoài thì tự nấu ăn ở nhà, bớt tiệc tùng, đi chơi cùng bạn bè cũng như tránh mua sắm những thứ không quá cần thiết,….” sinh viên Hồng nói thêm.

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm:

Tin liên quan

10 cách thoát khỏi sự lười biếng dành cho Gen Z

adminxhb

5 tuyệt chiêu giúp bạn tạo động lực

adminxhb

9 điều tân sinh viên cần lưu ý, nhất định không được bỏ qua

adminxhb