Mục lục
Ngành Quản trị khách sạn sau đại dịch tiếp tục phát triển mạnh
Đại dịch Covid-19 đã làm nền kinh tế trì trệ suốt 2 năm qua. Một trong những ngành bị ảnh hưởng rõ nét nhất đó là ngành Du lịch – khách sạn. Tuy nhiên trong năm 2021, ngành Quản trị khách sạn vẫn là ngành “hot” được nhiều bạn trẻ theo đuổi.
1. Không lo thất nghiệp sau đại dịch
Trong những năm gần đây, dịch vụ lưu trú được xem là ngành phát triển mạnh mẽ khi hàng loạt khách sạn từ 3 – 5 sao được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu ngành dịch vụ lưu trú giảm sút trầm trọng. Theo thống kê, quý III/2021 có 20 tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội khiến ngành này giảm đến 54,8%.
Theo ông Trần Anh Tuấn, PCT Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, tình trạng trì trệ này chỉ là tạm thời. Khi dịch bệnh qua đi, ngành du lịch mở cửa đón khách nội địa và quốc tế, ngành dịch vụ lưu trú sẽ bùng nổ, nhu cầu nhân sự cũng tăng theo. Ngành du lịch “đóng băng” là do thực hiện yêu cầu phòng dịch của chính phủ chứ không phải giảm nhu cầu, nên không lo thiếu việc làm.
Theo số liệu đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ trong năm 2021, gần 200.000 em đăng ký nhóm ngành này, trong khi chỉ tiêu chỉ hơn 24.000. Điều này cho thấy, dù dịch Covid-19 làm các hoạt động du lịch gần như đứng yên, nhưng khối ngành Du lịch – nhà hàng – khách sạn vẫ thu hút đông đảo các em theo học.
Phó chủ tịch Tuấn cho biết, về mức độ cạnh tranh, khối ngành Du lịch – dịch vụ vẫn được xếp thứ hạng rất cao, đứng thứ 4 trong tổng số 24 nhóm ngành.
Tiến sĩ Phạm Đình Sửu, Trưởng khoa Du lịch trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn cũng cho rằng, khi dịch bệnh được ổn định, các dịch vụ lưu trú, du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại. Chính vì thế khối ngành Du lịch – khách sạn – nhà hàng vẫn được các bạn trẻ chọn lựa.
2. Bí kíp thành công
Sinh viên theo học ngành Quản trị khách sạn được đào tạo các nghiệp vụ như lễ tân, quy trình phục vụ trong nhà hàng – khách sạn, tổ chức sự kiện, xây dựng các chiến lược marketing, PR,… Bên cạnh đó, sinh viên còn được thực hành cùng giảng viên và đi thực tế tại các doanh nghiệp,… Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, kỹ năng của các bạn có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Sau khi ra trường, các bạn có thể đảm nhiệm công việc như: lễ tân, chăm sóc khách hàng, quản lý nhà hàng – khách sạn, tổ chức sự kiện, kinh doanh, marketing,…
Trưởng khoa Du lịch BKC cho biết, mức lương trung bình từ 8 – 10 triệu/tháng cho vị trí nhân viên. Với vai trò quản lý hoặc tương đương, các bạn có thể có thu nhập từ 15 đến vài chục triệu đồng/tháng.
Theo Thạc sĩ Hoàng Tuấn Lang, Giám đốc điều hành khách sạn Orchid Sài Gòn, tham gia ngành học này, các bạn cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng nhất vì đây là ngành thường xuyên gặp gỡ khách hàng.
Ngoài ra, thái độ tôn trong, cư xử phải phép, chuẩn mực với khách hàng và đồng nghiệp là yếu tố để trở thành một nhân viên quản trị khách sạn thành công.
ThS Lang cũng cho rằng kỹ năng vượt khó cũng cần trang bị. Như giai đoạn đợt khủng hoảng cơn đại dịch qua là một ví dụ. Nhiều khách sạn đã phải đóng cửa để phục vụ cho khách cách ly y tế. Những nhân viên nào có kỹ năng vượt khó có thể trụ lại, vượt qua nỗi sợ hãi để làm việc.“Những bạn sợ hãi, hoang mang sẽ đánh mất cơ hội, các bạn ở lại có cơ hội vươn lên vị trí cao hơn. Chúng ta sống trong giai đoạn khác thường phải có giải pháp khác thường để thành công, phải vượt khó!”, ông Hoàng Tuấn Lang nhấn mạnh.
3. Một số trường đào tạo ngành Quản trị khách sạn tiêu biểu:
- Đại học Ngoại thương (FTU)
- Đại học Kinh tế quốc dân (NEU)
- Đại học Thương Mại (TMU)
- Đại học Kinh Tế TP.HCM
- Đại học Tài chính Marketing TP.HCM
- Đại học Quốc Tế Hồng Bàng
- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
- Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM
Nguồn: Tham khảo
Xem thêm:
- Tân khoa HIU vừa tốt nghiệp được phỏng vấn việc làm ngay tại Job Fair 2022 “NEW YOU MAKE THE FUTURE”