Mục lục
Ngủ điều độ
Áp lực bài vở cộng với tâm lý lo lắng sẽ khiến nhiều em nghĩ rằng càng học nhiều càng tốt. Việc thức đêm triền miên, thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc dẫn đến tình trạng não luôn bị kích thích làm việc liên tục, không hiệu quả.
Khi chúng ta thấy mệt và buồn ngủ, đấy là tín hiệu báo động bộ não cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya rồi. Không nên ép bộ não hoạt động quá mức, ngày hôm sau sẽ hoạt động không hiệu quả.
Nên tuân thủ theo nhịp sinh học, đó là ngủ thỏa mãn theo nhu cầu, ngủ càng sớm càng tốt, ngủ sớm sẽ thức dậy sớm. Nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập.
Do vậy, đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước lúc 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (lúc này học rất hiệu quả). Ngủ trưa từ 30 phút – 1 tiếng.
Vận động để khỏe hơn trong mùa thi
Hoạt động thể lực tuy không phải là “thức ăn bổ não” nhưng lại hết sức cần thiết vì giúp máu lưu thông tốt, mang ôxy và dưỡng chất tới cho não nhiều hơn nên các em sẽ “sáng trí” hơn khi học tập.
Bộ não của chúng ta chỉ có thể tập trung, hoạt động liên tục trong vòng 45 phút, sau đó nó cần được nghỉ ngơi. Do vậy không phải cứ học liên tục là tốt mà cứ mỗi 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Thời gian nghỉ ngắn này có thể vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não, giúp não thư giãn, nghỉ ngơi.
Ăn uống khoa học
Tuyệt đối các em không được bỏ bữa sáng, điều đó rất nguy hiểm. Sau một đêm dài cơ thể bị bỏ đói, chỉ khi được nạp năng lượng thì đầu óc mới có thể minh mẫn để tập trung ôn luyện.
Sau ăn 30 – 60 phút mới được học, thời gian này tranh thủ nghỉ ngơi, đi dạo nhẹ nhàng, hít thở sâu, theo dõi hơi thở để không nghĩ ngợi cho não thực sự được nghỉ.
Không nên ăn đến khi thấy cảm giác quá no ở các bữa ăn chính, chỉ ăn no khoảng 80%. Nếu bữa nào các em cũng ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ, do đó khả năng tiếp thu bài vở sẽ bị giảm thiểu.
Chơi hết mình
Một số gợi ý về một buổi cắm trại nhỏ cùng bạn bè, một buổi sáng cùng gia đình chăm sóc lại nhà cửa, hay dành trọn cả một ngày để tham gia 1 hoạt động tình nguyện sẽ không là lãng phí chút nào. Đó chính quãng thời gian nghỉ của não bộ, để những lo lắng, áp lực của kì thi không còn hiện diện, giúp tâm lí của bản thân thoải mái hơn.

Có thể coi đây là lúc để bạn sạc lại năng lượng sau những ngày miệt mài ôn tập.
Thời gian để giải trí
Bạn là một tín đồ của phim ảnh, đừng ngần ngại hãy để dành một chút thời gian để xem bộ phim mình thích. Bạn yêu âm nhạc, hãy chăm nghe hơn playlist của riêng mình.
Điện ảnh và âm nhạc đều là những môn nghệ thuật tác động tốt đến não phải. Khi não trái đã quá tải với những tư duy lô-gíc, khoảng thời gian giải trí với não phải sẽ giúp não bộ của bạn cân bằng hơn, tạo sự dung hòa, thoải mái trong tâm thế.
Tự đặt Timeline cho chính mình
Thời gian biểu hợp lí sẽ giúp bạn tránh được những hoang mang lo sợ. Hãy lập một bảng thời gian biểu thật cụ thể và chi tiết, dành nhiều thời gian cho việc ôn tập bài vở. Chọn lọc những công việc cần thiết, phân bổ hợp lí cùng với thời gian nghỉ ngơi. Tránh ngồi học trong thời gian quá lâu dễ gây nhàm chán và nghĩ ngợi vu vơ.
Chuẩn bị sẵn sàng
Hồ sơ được viết cẩn thận và nộp hoàn chỉnh, các giấy tờ thiết yếu luôn được giữ cẩn thận và mang theo bên mình, dụng cụ học tập cũng sắm sửa sao cho đầy đủ nhất. Đó chính là một số gạch đầu dòng cho sự chuẩn bị sẵn sàng.

Để không rơi vào trạng thái nhớ nhớ quên quên, hay thiếu một thứ gì đó mà ảnh hướng đến tâm lý làm bài thi của sĩ tử, chuẩn bị sẵn sáng chính là sự chuẩn bị cần thiết nhất.
Để đạt được “điểm vàng” cho kì thi sắp tới, mong rằng những lời khuyên trên sẽ tạo cho sĩ tử một tâm lý ổn định và vững vàng nhất!
Nguồn: Tham khảo
Xem thêm: