Mục lục
Thí sinh chọn ngành: ngần ngại theo đuổi đam mê
Các thí sinh thường gặp khó khăn trong việc chọn ngành học, thì giờ lại có thêm một nỗi lo lắng khác: sợ thất nghiệp sau khi chọn nghề.
1. Nỗi ám ảnh mang tên “thất nghiệp”
Một học sinh trường THPT Trưng Vương chia sẻ nỗi lo lắng: “Em đã có hướng đi trong việc chọn ngành nghề yêu thích, đúng với năng lực của mình. Nhưng khi tham khảo thị trường lao động thì thấy vị trí này ít có nhu cầu tuyển dụng. Em lo sợ sau này tốt nghiệp xong không có việc làm. Vậy em có nên chuyển qua một ngành khác có nhu cầu tuyển dụng cao hơn không? Dù đó là ngành nghề em không yêu thích và không có khả năng?”
Trong khi đó, học sinh tên Hương cũng bày tỏ nguyện vọng theo ngành sân khấu điện ảnh vì có năng khiếu và đam mê từ nhỏ. Tuy nhiên khi chia sẻ thì bị gia đình phản đối vì cho rằng nghề này ra trường khó kiếm việc và môi trường nhiều cạnh tranh.
Mạnh Hưng, học sinh lớp 12 ở quận Bình Thạnh, TP.HCM đang phân vân chưa quyết được ngành nào. Em chia sẻ, em thích ngành Ngân hàng và có dư khả năng vào học ở trường top. Tuy nhiên, lại nghe nhiều anh chị đi trước vẫn còn chưa ổn định khuyên rằng đừng ảo tưởng về ngành nghề này. Vì thế, lo lắng sau này ra trường không kiếm được việc làm nên em đang cân nhắc 2 ngành cao hơn là Kỹ thuật và Sư phạm.
“Em xác định được ngành nghề mình yêu thích cũng như khả năng nhưng không dám liều. Ra trường kiếm được việc làm mới là điều quan trọng nhất”, Hưng bộc bạch.
Tình trạng nhiều cử nhân thất nghiệp dạo gần đã tác động đến thí sinh trong việc chọn nghề. Không chỉ các em học sinh lo lắng, nhiều phụ huynh cũng khuyến khích cho con em theo học những ngành nghề có nhu cầu cao. Điều này giúp các bạn có sự nhìn nhận thực tế, tuy nhiên đó cũng là lý do khiến các bạn bỏ qua những đam mê của mình.
2. Cứ hết mình với đam mê
Ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TPHCM cho hay, trước đây sinh viên hay băn khoăn về năng lực bản thân khi chọn nghề. Nhưng gần đây nhiều thí sinh băn khoăn vì sợ theo đuổi ngành nghề mình yêu thích lại khó kiếm việc sau khi ra trường.
Ông Tuấn cho biết, nhu cầu thị trường từ đây đến năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi. Theo hiện tại, tổng cầu nhân lực nhóm Kỹ thuật công nghệ chiếm 35%, nhóm Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính chiếm 33%, nhóm Khoa học tự nhiên chiếm 7%, các nhóm ngành khác chiếm 3-5%.
Ông Tuấn nhận định rằng thị trường lao động không chỉ ở TPHCM mà cả nước sẽ được mở rộng, song song đó tính cạnh tranh sẽ ngày càng cao. Tuy nhiên, đừng quan tâm số lượng nhân sự mà quan trọng là chất lượng nhân sự có đủ đáp ứng những yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không.
“Nếu các bạn xác định rõ được ngành nghề mình yêu thích, có khả năng thì không có gì phải sợ. Khi theo đuổi công việc nào, các bạn phải thật sự nỗ lực. Doanh nghiệp sẽ đòi hỏi người lao động các yếu tố về chuyên môn, thái độ, kỹ năng, khả năng tư duy”, ông Tuấn nói.
Một khi đã có đam mê với một ngành nghề nào đó, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định khả năng, điều kiện thực hiện. Nếu hội đủ các yếu tố cần thiết, hãy cứ dấn thân. Việc từ bỏ ngành nghề mình yêu thích để sang một lĩnh vực khác rất dễ rơi vào bi kịch, làm mất thời gian, tiền bạc và công sức.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc hướng nghiệp hiện nay chưa được hiệu quả. Các bạn trẻ thường chọn nghề theo cảm tính, chỉ thấy yêu thích công việc nào đó rồi lao theo cho được. Một khi đam mê không được đặt đúng chỗ thì sẽ dẫn đến những kết quả không như ý.
(Theo Dantri)
Mời xem thêm:
- ÔN THI THPT 2022: https://onthi.tuyensinhvanghenghiep.vn/
- Các ngành tuyển sinh tại năm 2022: https://tuyensinh.hiu.vn
- Hỏi đáp nhanh về tuyển sinh: https://m.me/204971579572594
- Khám phá HIU 3D thực tế ảo: https://hiu.vn/tham-quan-online-hiu/