Tự chủ đại học: còn nhiều thách thức
Phát triển giáo dục đại học theo hình thức tự chủ là xu thế tất yếu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức và rào cản cần giải quyết.
PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết chiến lược giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 đại học này xác định ba giải pháp đột phá, trong đó có nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản trị đại học mà trọng tâm là nghiên cứu triển khai mô hình tự chủ đại học.
Khi được phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi ông đánh giá thế nào về tự chủ đại học, đâu là yếu tố tích cực, đâu là thách thức, TS. Quân cho biết:
“Tự chủ đại học đi cùng với trách nhiệm giải trình, thể hiện sự minh bạch giữa nhà trường với các bên liên quan. Các bên liên quan ở đây là ngân sách nhà nước, các nhà tài trợ và nguồn thu từ học phí của sinh viên. Vì thế, việc minh bạch các khoản chi là điều cần thiết và bắt buộc.
Chất lượng đào tạo cũng là một yếu tố rất quan trọng, thông qua cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng như sự hài lòng từ các nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, tự chủ đại học hiện có 3 thách thức lớn liên quan đến tài chính, bao gồm: chưa có chính sách tín dụng phù hợp cho sinh viên, không đảm bảo nguồn chi từ ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa được các nguồn thu.
Nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ sẽ khiến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị giới hạn, các trường đại học chạy theo các ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân sự quốc gia”.
Trả lời cho câu hỏi về việc chi ngân sách giáo dục thời gian qua khó đảm bảo cho các trường đào tạo chất lượng, TS Vũ Hải Quân nhận định:
“Nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn, nên đây là một khó khăn cơ bản của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trong khi đó, nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông lại chiếm tỉ lệ cao hơn”.
Khi được hỏi về vì sao trường vẫn phụ thuộc nguồn thu từ học phí, trong khi nguồn thu từ chuyển giao công nghệ, các dự án theo đơn đặt hàng chưa nhiều, TS Quân trả lời:
Hiện nay các trường đại học công lập có 3 nguồn thu chính: từ ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu từ chuyển giao công nghê, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, các dự án hợp tác,… Trong đó, học phí đóng vai trong quan trọng nhất, lớn nhất. Khi các trường đại học tự chủ, nguồn thu từ ngân sách nhà nước sẽ không còn.
Các trường cần đấy mạnh các hoạt động để gia tăng nguồn thu, giảm bớt gánh nặng học phí. Tuy nhiên, việc này đang còn phụ thuộc vào các quy định của pháp luật.
Ông có kiến nghị gì thúc đẩy tự chủ đại học hiệu quả?
Theo tôi, cần có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của Nhà nước để đào tạo nhóm lao động này, từ đó sớm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo đối với các trường đại học trong đó có 2 ĐH quốc gia. Vì thế, cần sớm xây dựng và ban hành chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người.
Cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình.
Sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công – tư, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng…
Ngoài ra, chính sách tín dụng với sinh viên cũng cần điều chỉnh phù hợp. Trong đó, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên. Giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên, điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay. Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên. Việc điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.
(Theo Tuoitre)
Xem thêm: